Một chính quyền tê liệt

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Một chính quyền tê liệt

Post by dacung »

Một chính quyền tê liệt
2006.02.21
Nguyễn Xuân Nghĩa, phóng viên đài RFA

Trong khi bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được nhiều nơi phê bình ráo riết thì từ đầu năm nay tình hình trong nước có nhiều biến động khiến kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đánh giá là một sự tê liệt phổ biến. Trong tiết mục chuyên đề tuần này, Thanh Trúc trao đổi với ông về vấn đề đó.

Image
Đình công ở Công ty giày Gia Định. Photo courtesy of TuoiTre Online

Thanh Trúc: Sau khi Dự thảo Báo cáo Chính trị được Trung ương đảng Cộng sản công bố để lấy ý kiến của dân chúng, ông có nhận xét chung như thế nào về những lời góp ý đã được phổ biến?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khác với khóa trước, lần này, ta thấy Dự thảo gây phản ứng sôi nổi với nhiều lời phê phán hướng thẳng vào chọn lựa căn bản của đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường hướng kinh tế sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Điểm thứ hai đáng chú ý là những lời góp ý quyết liệt nhất lại xuất phát từ thành phần trí thức và chuyên gia gần gũi với chính quyền. Nói chung, những người trong cuộc phê bình là đảng không thay đổi khi tình hình đã đổi thay mà vẫn cứ nhắc lại khẩu hiệu cũ, hoàn toàn tách rời khỏi đời sống thực tế.

Dù được khéo léo trình bày như là nỗ lực xây dựng cho đảng, những lời phê bình này thực ra tập trung vào cốt lõi của vấn đề. Một thí dụ được nhắc tới là viễn ảnh gia nhập WTO của Việt Nam, vốn là chọn lựa chiến lược và đòi hỏi nhiều chuẩn bị khẩn cấp, lại hoàn toàn lại không được bản Dự thảo đề cập tới. Đó là phần bình luận về một văn kiện cho tương lai. Về thực tế trước mắt thì bản thân tôi lại thấy chính quyền hiện tại như đang bị tê liệt trên nhiều mặt.

Thanh Trúc: Ông nêu ra một nhận xét khá nghiêm trọng như vậy vì dựa trên những gì trong thực tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu vài thí dụ mà ai cũng có thể thấy. Trên báo đảng, như tờ Nhân Dân chẳng hạn, người đọc thấy là mọi chuyện đều tốt đẹp, lãnh đạo thăm thú nơi này, đón tiếp người khác. Đó là hình ảnh chính thức bề ngoài. Trong khi ấy, trên các tờ báo của đoàn thể, độc giả chú ý đến hàng loạt những vụ tai tiếng đang bùng nổ khắp nơi.

Từ chuyện đảng viên cao cấp cá độ bóng đá đến cả triệu đô la tới việc công nhân từ Nam ra Bắc theo nhau đình công với quy mô ngày một lớn. Thế rồi còn vụ hệ thống các trường dạy Anh ngữ của một công ty đầu tư nước ngoài bỗng nhiên mất tích, khiến mấy vạn học sinh trả tiền học mà mất trường, cả trăm giáo viên bị quịt lương mà các cơ quan hữu trách của chính quyền ngơ ngác không hiểu vì sao, rồi đổ lỗi cho nhau.

Những chuyện ấy cùng xảy ra trong bối cảnh bất trắc của môi sinh bị hủy hoại, dịch cúm chim vẫn có thể phát tác, và thế giới thì nói đến nạn tham ô hay rút ruột dự án, các đảng viên cán bộ tẩu tán tài sản ra ngoài để phòng khi tuột tay mất chức. Trên cùng là những tranh chấp trong nội bộ lãnh đạo không phải về đường hướng mà về chỗ ngồi nên khu I nhau về tội tham nhũng.


Sự tê liệt phổ biến

Thanh Trúc: Và ông coi đấy là những chỉ dấu của một sự tê liệt phổ biến?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề dồn dập nên cần một chính quyền mạnh, là am hiểu tình hình kịp lúc và có khả năng ứng phó thích hợp. Ta không thấy khả năng chủ động ấy mà chỉ chứng kiến những lúng túng trong thực tế, được tráng bên ngoài bằng khẩu hiệu mà ai cũng biết là tách rời khỏi đời sống quốc dân.

Một chuyện mà ai cũng thấy, nhất là giới đầu tư nước ngoài, là các đợt đình công dồn dập vừa qua. Một chính quyền tự xưng là đại diện của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động lại không bảo vệ được quyền lợi thợ thuyền và cân nhắc được lợi hại của việc chiêu dụ đầu tư khiến công nhân đành phải lãn công bãi thị.

Sự kiện ấy là một mâu thuẫn từ nền tảng của hệ thống lãnh đạo và cho thấy sự bất công của chế độ khiến giới đầu tư tất nhiên phải e ngại. Đây đó, người ta đã nói đến một hội chứng hốt hoảng dẫn tới khủng hoảng như tại Đông Á trong các năm 97-98.

Thanh Trúc: Chúng ta sẽ đi vào từng vấn đề đang gây sôi nổi với dư luận trong nước, thí dụ là chuyện đình công vừa qua?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn từ giác độ kinh tế, tôi thiển nghĩ rằng hai hồ sơ nóng là làn sóng đình công và vụ Công ty SITC có vốn đầu tư nước ngoài mở trường dạy Anh ngữ bỗng dưng đóng cửa biến mất là hai mặt của một đồng tiền. Nó cho thấy sự bất toàn của sách lược hội nhập và hậu quả của chính sách bắt chước ở ngọn mà không xây dựng thực lực ở gốc.

Làn sóng đình công đã lan từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tới các công ty có vốn 100% ở trong nước, và lan từ Nam ra Bắc. Công ty SITC đã liên tiếp mở ra mấy chục trung tâm dạy Anh ngữ từ Nam ra Bắc rồi còn nhập nhằng dạy cả quản trị, kinh doanh, đùng một cái, ban giám đốc đóng cửa lặn đâu mất mà các giới chức hữu quan hoàn toàn không biết, để lại hàng vạn học viên ngẩn ngơ mất tiền.

Những chuyện ấy đã có nguyên nhân tiềm ẩn từ lâu mà không ai thấy vì từ trên chí dưới chỉ có phản ứng chụp giựt, đi tìm thành quả biểu kiến mặt ngoài. Khi nội vụ bùng nổ thì chính quyền tê liệt và công nhân hay học viên bị thiệt thòi.


Hậu quả của sách lược hội nhập

Thanh Trúc: Chúng ta hãy bắt đầu bằng chuyện đình công, vì sao ông cho rằng hiện tượng này là hậu quả của sách lược hội nhập?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khởi đi từ những phân tích phiến diện của Marx về thời kỳ đầu của công nghiệp hóa Âu châu với học thuyết về quan hệ sản xuất mang tính bóc lột, người cộng sản đã triệt để khai thác một khía cạnh thiên lệch của vấn đề là đấu tranh giai cấp, và tự xưng là đại biểu tiên tiến của giai cấp công nhân để giành chính quyền.

Ngày nay, đảng Cộng sản đã cưỡng đoạt luôn quyền lợi của công nhân, với Công đoàn thực sự là công cụ của đảng để đoàn ngũ hóa người lao động theo những chọn lựa của đảng. Trong thực tế, công nhân thợ thuyền không có nghiệp đoàn tự do và độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trước những chọn lựa của chính quyền và đường lối kinh doanh của chủ đầu tư. Đấy là một vấn đề cơ bản nhất.

Kế tiếp là sự chọn lựa của chính quyền. Sau khi rao giảng mãi lý luận về bóc lột của Marx, đảng Cộng sản ngày nay đang áp dụng trên một quy mô toàn quốc đường lối bóc lột ấy vì ép lương công nhân làm lợi thế chiêu dụ đầu tư. Hậu quả là từ chục năm nay đã có cả ngàn vụ đình công lớn nhỏ, gần hai phần ba là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà vụ nào cũng đều bị coi là bất hợp pháp vì luật lệ lao động của chính quyền. Bây giờ, khi nội vụ vỡ lở, người ta mới nói đến chuyện sửa luật cho phù hợp với thực tế.

Thanh Trúc: Ông cho rằng vì muốn có lợi thế nhân công rẻ để chiêu dụ đầu tư mà chính quyền đã gây thiệt thòi cho công nhân thợ thuyền và họ lại không có quyền lập nghiệp đoàn tự bảo vệ lấy quyền lợi nên chỉ còn giải pháp đình công mà thôi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng. Khi đình công, thành phần công nhân là những người bị thiệt nhất vì họ không trường vốn, nôm na là có lợi tức dư dôi để đấu tranh cho tới khi có kết quả. Sở dĩ như vậy là vì công nhân không có quyền và cũng chẳng được trau giồi khả năng thương thảo, trong đó trước tiên là quyền tự do thông tin về tình hình sản xuất, lời lãi và thị trường. So với giới chủ nhân, đây là hiện tượng thông tin thiếu cân xứng và chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Thứ nữa, như chúng ta đã nhiều lần đề cập trên diễn đàn này, giới đầu tư tìm đến Việt Nam vì những gì? Nếu ta có một thị trường nội địa đủ lớn, công nhân có tay nghề và năng suất cao, luật lệ kinh doanh minh bạch thông thoáng và bình đẳng, thì người ta không coi chuyện lương thấp là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam lại ít chú trọng đến ba yếu tố đầu tiên mà chỉ muốn làm thu hút đầu tư ở chuyện lương thấp nên không điều chỉnh mức lương cho sát với thực tế. Rốt cuộc cả nước đi làm gia công và công nhân chỉ còn giải pháp đau lòng là đình công.


Trung tâm Anh ngữ SITC “biến mất”

Thanh Trúc: Bây giờ, ta mới lật qua mặt bên kia của vấn đề là vụ các trung tâm Anh ngữ của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài bỗng nhiên “biến mất” như báo chí trong nước vừa nói đến?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, nhưng trước khi nói đến mặt ấy, ta cần nhắc lại là một công ty từ Singapore vào xin mở trường dạy Anh ngữ từ năm 2003 và ào ạt phát triển trường lớp khắp nơi, với phẩm chất giảng dạy rất tồi và còn đòi đào tạo cả bậc “thạc sĩ” về quản trị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho đầu tư vào đào tạo và bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm soát về mặt chuyên môn. Bất ngờ là chủ đầu tư lường gạt tiền sao đó rồi biến mất, ngần ấy trung tâm đồng loạt đóng cửa mà học viên, giáo viên và nhà chức trách không hề hay biết.

Xuyên qua một số điều tra sơ khởi của báo chí - và đây là điểm son của một số tờ báo tiến bộ trong nước - ta mới biết dường như người chủ đầu tư ấy đã ngưng làm việc từ giữa năm ngoái. Còn công ty “mẹ” tại Singapore cũng chỉ là một bình phong giả.

Và nội vụ vẫn rối mù trong khi các cơ quan hữu trách, là các bộ, rồi ủy ban nhân dân địa phương và đại biểu quốc hội ngơ ngác đổ trách nhiệm cho nhau, trình báo cáo lên thủ tướng để rồi sẽ lại lập ra một cơ chế liên tịch và vô quyền để giải quyết. Vụ đổ bể này phơi bày khả năng quản lý của một chính quyền yếu, chỉ kiểm soát tự do thông tin và tư tưởng của người dân chứ bảo vệ luật lệ và thể thống quốc gia hay quyền lợi người dân thì rất kém.


Bây giờ ta mới nói đến cái mặt trái của chuyện hội nhập…

Hội nhập

Thanh Trúc: Việc mở trung tâm ngoại ngữ và hội nhập liên hệ gì đến nhau?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau thời mở cửa để hội nhập với thế giới bên ngoài, từ 15 năm nay, ta thấy xã hội Việt Nam nhoài mình ra ngoài tiếp nhận mọi phương tiện nâng cao tầm hiểu biết và khả năng giải quyết các vấn đề dân sinh, trong đó, ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ là một phương tiện sơ đẳng. Sau khi giành lấy độc quyền về giáo dục mà lơ là chuyện đào tạo, chính quyền đành buông tay cho tư nhân bước vào việc kinh doanh kiến thức ấy, với phẩm chất, hay chất lượng, không đồng bộ và thiếu đảm bảo.

Nhược điểm của Việt Nam khi cần hội nhập với thế giới bên ngoài chính là kiến năng, tức là kiến thức và năng lực tham gia vào tiến trình sản xuất ở trình độ ngày một cao hơn. Chính quyền không đầu tư mạnh vào lĩnh vực ấy nên Việt Nam bị khủng hoảng về giáo dục và đào tạo, trong khi lại dồn phương tiện vào hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ hội tham nhũng cho một thiểu số và kìm hãm tiềm lực của đại đa số còn lại.

Nếu không vì chủ trương hội nhập ở ngọn, hiện đại hóa ngoài da, người ta đã không để nhiều thế hệ lao vào việc học lấy, với rủi ro là gặp gian thương hay giáo sư “Tây ba lô” giật tiền thật và trao lại bằng giả.

Một đất nước tự xưng là văn hiến lại để dân chúng bị thiệt hại như vậy khi bước chân ra ngoài là điều đáng buồn. Đáng buồn hơn nữa là chính quyền bị tê liệt còn lãnh đạo thì bận lo việc đấu tranh để giành ghế. Nếu mình nhìn ra các lãnh vực khác, như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, ta đều gặp những hiện tượng tê liệt tương tự…

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2006 Radio Free Asia

Post Reply